Giò heo giả cầy

Giả cầy là món ăn có hương vị giống cầy nhưng lại làm bằng giò heo, món này có xuất xứ từ miền Bắc vì thế để món ăn được ngon cần phải hội đủ có gia vị của miền Bắc như riềng, nghệ, lá mơ, mắm tôm… và đặc biệt là không được thiếu mẻ. Với nhiều người sống ở nước ngoài xa quê hương, không dễ gì tìm được mẻ thì có thể sử dụng sữa chua đặc thay thế.

Giò heo giả cầy

Nguyên liệu cần có để làm giò heo giả cầy

– 0.5kg móng giò
– 0.5kg thịt chân giò (lọc xương)
– 1 củ giềng (30-40gram)
– 1 củ sả
– 30ml hoặc 2 thìa canh mẻ (hoặc thay bằng sữa chua không đường)
– 2 thìa canh (20-25ml) nước mắm
– 2.5 thìa café (đầy) mắm tôm
– ½ thìa café đường
– ½ thìa canh (7-8ml) dấm bỗng (hoặc thay bằng dấm rượu vang)
– 1 thìa café bột nghệ (hoặc một củ nghệ tươi)
– Tiêu, ớt (tùy khẩu vị)
– Bún & các lọai rau thơm ăn kèm + lá mơ

Cách làm giò heo giả cầy

1. Nướng chân giò
– Đây có lẽ là khâu quan trọng nhất trong làm giả cầy. Bởi nếu muốn “giả cầy” giống “cầy” thì phần da (bì) phải được nướng sao cho đủ cứng giòn. Để sau khi nấu, phần da vẫn đủ giòn (như thịt cầy thật) chứ không mềm như bì heo ninh nhừ.
– Lý thuyết là như vậy, còn thực hành và kết quả thế nào là phụ thuộc vào tay nghề của người nấu. Cách thơm ngon nhất là nướng chân giò bằng rơm, nhưng cách này khó thực hiện. Nên cách thay thế phổ biến hơn là cuốn nhiều lớp giấy trắng (không dùng giấy báo, vì mực in rất độc hại) quanh chân giò rồi đốt, sao cho lớp bì cứng và ngả vàng nâu là được.
– Nếu không có chỗ nào để đốt, các bạn có thể nướng trực tiếp trên bếp điện hoặc bếp gas.
Hoặc có một cách gọn gàng và sạch sẽ hơn nữa là dùng đèn khò (kitchen torch – loại hay dùng để đốt đường trên Crème Brulee) để thui phần da ngoài của móng giò. Ngoài ra, nếu ai có bếp than hay bếp nướng BBQ thì dùng để nướng cũng được. Miễn làm sao cho thịt bên trong không bị chín, chỉ có phần bì được nướng xém thơm thôi.
** Lưu ý: Không nên nướng bằng lò nướng bánh nhé, vì thịt sẽ bị chín quá và mỡ từ chân giò sẽ chảy ra.
– Sau  khi nướng xong thì cạo bỏ lớp cháy đen, xát muối đều bên ngoài rồi rửa lại vài nước cho thật sạch. Chặt móng giò, thái thịt móng giò thành miếng vừa ăn.

2. Giềng, sả băm nhỏ hoặc xay nhuyễn (nếu dùng nghệ tươi thì xay nghệ cùng). Ướp móng giò với tất cả các loại gia vị trong phần Nguyên liệu trong tối thiểu 1 giờ để thịt có thời gian ngấm gia vị. Định lượng của các loại nguyên liệu có thể điều chỉnh lại theo khẩu vị gia đình. Lưu ý là các loại gia vị làm giả cầy đều là các loại có vị mạnh nên quan trọng nhất là làm sao cho các loại gia vị được cân bằng, không có loại nào quá nhiều, sẽ át đi các vị còn lại.

3. Đun nóng chút dầu ăn, để lửa to, đảo thịt qua cho hơi săn rồi đổ nước (sôi) xâm xấp mặt thịt, để lửa nhỏ, ninh đến khi thịt chín mềm vừa phải, không bị quá mềm nát, chân giò và phần da bì giòn.

Một số lưu ý

– Không nên cho quá nhiều nước, chỉ đổ nước ngập khoảng 2/3 thịt rồi nấu theo kiểu om, thịt chín sẽ đậm đà hơn. Sau khi nấu xong, nếu cần nhiều nước để chan bún thì thêm nước sau.
– Nếu nhạt thì nêm nước mắm hoặc bột canh, không cho mắm tôm trong khi nấu sẽ dễ làm món ăn có mùi hôi. Nếu muốn thêm vị mắm tôm, đợi sau khi nấu xong mới thêm vào.
– Dùng nóng với bún và các loại rau thơm, thông thường món này đặc biệt ngon ăn kèm với lá mơ và ngò om.

NHÀ HÀNG QUÁ NGON ®

Địa chỉ: 306-308 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM

Điện thoại: (028) 3 9918 964 (5 lines)

Tư vấn & nhận tiệc: 0906.79.79.32

Email: lienhe@nhahangquangon.com

Website: https://www.nhahangquangon.com

Facebook: http://www.facebook.com/QuaNgon

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN