1. Hoa thiên lý
Thiên lý thường được trồng thành từng giàn, vừa làm cảnh, lấy bóng mát vừa là nguyên liệu để chế biến món ăn. Phổ biến nhất là canh hoa thiên lý, có thể nấu kèm với tôm hoặc thịt bò… Trong những ngày nắng nóng, hoa thiên lý nấu với cua đồng, vừa có tác dụng giải nhiệt, vừa ngon miệng.
Ngoài ra bạn có thể làm món hoa thiên lý xào thịt bò để đổi vị cho cả nhà. Hoa thiên lý còn tươi xanh, rửa sạch. Đặt chảo lên bếp, phi thơm dầu ăn, cho thiên lý vào xào chung với trứng gà đã đánh tan. Tiếp tục phi thơm dầu, xào thịt bò vừa chín tới là được. Cho thịt bò lên trên đĩa hoa thiên lý đã xào, rắc lên ít tiêu để món ăn có vị cay nồng.
Hoa thiên lý còn nấu lẩu tôm càng, làm gỏi hay xào tỏi… Hương vị đặc trưng của loại hoa đồng nội này mang đến sự lạ miệng cho bữa cơm gia đình.
Món ngon dân gian: Canh hoa thiên lý nấu thịt bò
2. Rau muống
Rau muống nấu canh, xào tỏi, trộn gỏi hay đơn giản là luộc ăn kèm nước mắm ớt. Bạn có thể nấu canh rau muống với hến. Vị ngọt tự nhiên của nước hến luộc, được nấu cùng với rau muống giòn, thêm một chút gừng để cân bằng vị hàn trong món canh là bạn đã có món ăn ngon.
Không cao lương mỹ vị, gỏi rau muống cũng hấp dẫn nhiều người. Rau muống lặt bỏ hết lá, thái thành những sợi mỏng và dài, gần giống rau để ăn bún bò là được. Ngâm vào nước có pha giấm để rau xanh và giòn. Vớt ra để ráo, đặt chảo lên bếp, phi thơm dầu ăn, cho rau muống vào đảo đều với dầu ăn, rưới nước mắm chanh tỏi ớt lên và trộn đều cho ngấm gia vị. Bày rau muống ra đĩa, rắc lên ít lạc rang đã giã nhỏ và thưởng thức.
Món ngon dân gian: Gỏi rau muống
3. Ngọn bí
Bí ngô (bí đỏ) là cây dễ trồng. Ngoài trồng lấy quả, người ta còn dùng ngọn non làm nguồn rau xanh rất tốt. Bí đỏ bắt đầu ra hoa là lúc ngọn bí ngon nhất, xanh mơn mởn. Khi đó, chỉ cần ra vườn nhặt một lúc là có ngay một rổ ngọn bí tươi xanh. Dùng tay hoặc dao nhỏ bóc lớp lông tơ bên ngoài rồi rửa sạch, đem luộc. Chỉ đơn giản như vậy thôi là bạn đã có món rau luộc chấm nước mắm cho bữa cơm ngon miệng.
Công phu hơn, bạn có thể làm món ngọn bí trộn thịt heo. Chỉ cần rửa sạch ngọn bí và luộc chín, thịt nạc luộc chín, thái lát nhỏ. Đậu phộng rang giòn, ớt, tỏi giã nát để làm nước mắm chanh tỏi ớt. Phi thơm dầu ăn và rưới lên ngọn bí đã luộc, cho nước mắm tỏi ớt, thịt luộc vào trộn đều.
Món ngon dân gian: Ngọn bí trộn thịt heo
4. Bông điên điển
Mùa nước lên cũng là lúc bông điên điển nở vàng ngập cánh đồng hay chạy dọc theo những con đường đê… Bông điên điển không chỉ để ngắm mà còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn như kho cá linh, bánh xèo bông điên điển, canh chua, lẩu cá linh…
Bông điên điển chấm mắm kho, vị lạt của bông làm món mắm kho đậm đà trở nên dịu hẳn. Độc đáo nhất là lẩu cá linh bông điên điển. Lấy nước dừa tươi để nấu lẩu, cho vài muỗng nước mắm ngon, đường, ít me dầm lấy nước chua rồi nêm nếm cho vừa ăn. Phi thơm tỏi, tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho sôi riu lên. Trút nhẹ cá linh vào nồi, vừa ăn, vừa nhúng hoa điên điển để giữ độ giòn và ngọt từ hoa.
Cái ngon của món ăn là nhờ vị chua chua, ngòn ngọt, thơm thơm kèm thêm hương vị từ hoa điên điển. Ăn kèm với bún tươi hoặc cơm nóng, không thể thiếu một ít nước mắm ngon và ớt để chấm cá.
Món ngon dân gian: Lẩu cá linh bông điên điển
Ngoài ra, còn rất nhiều loại rau đồng nội khác như rau đắng, rau dền, rau lang, bắp chuối, rau mồng tơi, lá giang…
Nhà hàng Quá Ngon (Tổng hợp)
NHÀ HÀNG QUÁ NGON ®
Địa chỉ: 306-308 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM
Chuyên phục vụ các món Hải sản – Đặc sản – Dân gian
“Đệ nhất heo tộc quay lu chặt mẹt”
Điện thoại: (08) 3 9918 964 (5 lines)
Tư vấn & nhận tiệc: 0906.79.79.32
Liên hệ: lienhe@nhahangquangon.com
Website: https://www.nhahangquangon.com
Facebook: http://www.facebook.com/QuaNgon